Dinh dưỡng quyết định chiều cao một người (32%), hơn cả di truyền, thể lực, môi trường; song nhiều gia đình Việt chưa chú ý yếu tố này để nâng cao tầm vóc trẻ.
Thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia cho thấy người Việt Nam hiện thấp nhất khu vực châu Á. Qua 3 thập kỷ, người Việt có cao lên nhưng rất chậm, 10 năm chỉ tăng thêm một cm. Hiện chiều cao trung bình của nam thanh niên nước ta là 164 cm, thấp hơn 8 cm so với Nhật, 10 cm so với Hàn Quốc.
Ngoài gene di truyền, yếu tố dinh dưỡng, môi trường và vận động đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Ảnh minh họa: TT.
|
Phát biểu tại chương trình “Nâng cao tầm vóc Việt” hôm 4/11 ở TP HCM, Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, một trong những nguyên nhân khiến thanh thiếu niên nước ta chậm phát triển chiều cao là do không được chăm sóc đúng cách từ khi hoài thai trong bụng mẹ.
Bà Lâm đơn cử nhiều trường hợp trẻ có cha mẹ là người Việt sinh sống ở Pháp, Mỹ, Nhật, khi trưởng thành, các em cao tương đương, thậm chí nhỉnh hơn bạn đồng trang lứa ở nước sở tại. "Điều này cho thấy chiều cao không hoàn toàn do gene mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, tâm lý, vận động", bà nói. Cụ thể nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cho thấy chỉ 23% là di truyền, 25% do tâm lý và môi trường sống, 20% rèn luyện thể lực, quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%.
Theo thống kê, tại Việt Nam hiện nay cứ 5 trẻ 5 tuổi thì có một trường hợp bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi có một bị suy dinh dưỡng thể thấp còi nhẹ. Bà Lâm khuyến cáo, trẻ bị thấp còi lúc 3 tuổi, khi đến 18 tuổi sẽ có chiều cao thấp hơn so với chiều cao bình thường có thể đạt đến.
Theo bà, có 4 lý do khiến trẻ Việt thấp bé nhẹ cân. Đó là trong thời kỳ mang thai, người mẹ không được chăm sóc tốt. Thai phụ dễ bị bệnh dẫn đến thai nhi bị suy dinh dưỡng hoặc giảm hấp thụ dinh dưỡng. Thứ hai là trẻ thiếu canxi do cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con. Nhiều trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Chỉ 62% được bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh, 20% được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Khảo sát còn ghi nhận chỉ 22% trẻ được bú mẹ đến 24 tháng tuổi. Trong khi bé ăn dặm quá sớm hoặc không đúng cách, thức ăn không đa dạng lại bị thiếu canxi. Canxi là nguyên vật liệu xây dựng khung xương, giúp trẻ cao lớn, hệ thần kinh phát triển, kích hoạt hệ miễn dịch, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động co giãn của cơ bắp. Thiếu hụt canxi khiến trẻ quấy khóc về đêm, chậm mọc răng, còi xương, nặng có thể khó thở, co cứng toàn thân, mặt tím tái, thở nhanh.
Nguyên nhân thứ ba là ở một số vùng nghèo, trẻ không đủ thực phẩm để ăn dẫn đến thiếu hụt protein, vitamin, khoáng chất, không tiếp cận được hệ thống y tế, nguồn nước sạch và hệ thống vệ sinh tốt. Tình trạng này khiến các em dễ bị nhiễm khuẩn gây bệnh, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ cơ xương khớp.
Thứ tư là người Việt lười vận động. Vận động đúng cách sẽ giúp trẻ ăn ngon, ngủ sâu, tăng cân, kích thích sự phát triển của tế bào xương, tăng chiều dài của xương, từ đó đạt được chiều cao tối đa, cải thiện nhược điểm về gene di truyền. Trong khi đó Việt Nam được xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới với chỉ hơn 15% người tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày.
Nghiên cứu cho thấy trẻ bị suy dinh dưỡng lúc 3 tuổi, khi trưởng thành sẽ có chiều cao thấp hơn mức có thể đạt được.
|
Từ thực trạng trên, bà Lâm đề nghị cần có một số giải pháp nhằm nâng cao tầm vóc và thể lực cho trẻ. Ví dụ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho phụ nữ trước và trong khi mang thai; nên cho trẻ bú sữa mẹ ngay từ khi mới sinh; trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi tiếp tục bú sữa mẹ và ăn thực phẩm bổ sung hợp lý; bổ sung canxi đúng cách. Chọn chế phẩm canxi dễ hấp thu, phù hợp sử dụng hàng ngày, chẳng hạn như sữa. Nên uống sữa sau khi ăn một tiếng đồng hồ, tốt nhất là vào buổi sáng hoặc trưa khi cơ thể vẫn còn hoạt động để tránh tình trạng ngưng đọng canxi.
Bà Lâm cũng khuyên nên tập cho trẻ sở thích vận động, chọn bài tập phù hợp lứa tuổi, với cường độ hợp lý. Chẳng hạn, trẻ 2-5 tuổi cần những trò chơi đơn giản, vận động tự do như đi chơi công viên, chạy nhảy, đạp xe mini. Các động tác vươn cao, duỗi dài cũng giúp bé phát triển chiều cao. Nên giữ cường độ vừa phải, mỗi ngày khoảng 15 phút. Trẻ 6-7 tuổi có thể tập nhịp điệu, bơi lội, chạy bộ, thể dục nhịp điệu, bóng đá. Trẻ trên 8 tuổi nên đạp xe, chơi bóng rổ, bóng đá, bơi lội…
"Nếu khắc phục được những hạn chế, đồng thời phát huy các yếu tố có lợi cho sự phát triển hệ cơ xương khớp thì tương lai thanh thiếu niên nước ta có thể đạt được chiều cao trung bình là 1,7 mét", bà Lâm cho biết.
Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, Hội đã kêu gọi sự cộng tác của các tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. "Chị em nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe, thay đổi hành vi thói quen của chính mình và thành viên trong gia đình theo hướng tích cực. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chỉ số về chiều cao và tầm vóc của thế hệ tương lai đất nước", bà Hương nói.
Nguồn: vnexpress.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét